Archive for Tháng Năm 11th, 2013

Đầu.. đất!

(Nhã hứng trỗi lên không thể kìm nén khi nghe thủ tướng NTD ba hoa về kế hoạch giải cứu bất động sản & đọc thư chất vấn Alan Phan của hiệp hội bất động sản Hà Nội)
 
 
Chủ nghĩa bình quân đã làm tê liệt, triệt tiêu động lực phát triển của xã hội. VN thấm thía điều này qua thời bao cấp phổ cập lẽ công bằng về sự thiếu thốn, nghèo nàn. Đất đai, quy cho cùng – là 1 thứ tư liệu sản xuất đặc biệt. Tương tự như tài nguyên khoáng sản – nó hữu hạn, nhưng khác với tài nguyên khoáng sản – nó không có gì thay thế được, chưa kể – đất đai còn là nơi con người sinh sống. Mà ‘an cư’ là khát vọng chính đáng & thiêng liêng của bất cứ người nào. Vì thế, xử sự với đất đai phải có cái nhìn cách nghĩ khác với các TLSX thông thường.

Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng chiếm hữu (tư hữu) với quyền sử dụng nói lên bản chất của lẽ công bằng (trong phân phối nguồn lợi) thì hoàn toàn sai lầm. Bởi con người sinh ra không phải ai cũng giống nhau/như nhau & bằng nhau. Ví dụ: 100 người nông dân, mỗi người có 1 ha đất, canh tác trong cùng điều kiện thời tiết khí hậu thổ nhưỡng nhưng sau 1 năm sẽ có 100 kết quả khác nhau. Có thể có 10 anh khá/giàu, 40 anh đủ ăn có dư chút đỉnh, 30 anh thất bát đói kém, 20 anh đói khổ nợ nần phá sản. Loại bỏ yếu tố chính trị xã hội để xét thuần túy về mặt kinh tế thì 20 anh cuối cùng sẽ lấy làm vui mừng nếu bán được đất cho 10 anh đầu tiên để gia đình mình khỏi chết đói, thoát vòng nợ nần vầy bủa. Sự sàng lọc tự nhiên có kết quả là phân công lao động. 10 anh nông dân giỏi có thể sẽ là nhà quản lý sản xuất tốt để 30 ha đất (10 của mình ban đầu + 20 mua thêm sau này) đem lại lợi lộc hơn hẳn nếu so với 30 ha của 30 người ban đầu.

Nhiệm vụ chức năng của TLSX là tạo ra của cải cho xã hội. Ai khai thác tốt hơn sẽ đương nhiên có quyền nhiều hơn, ai dở thì cam phận làm nông phu tá điền (trong số tá điền cũng có anh giỏi anh dở nên giá trị ngày công lao động khác nhau). Ở An Giang, Sóc Trăng có nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hầu hết đất ở những cánh đồng đó có được là do quá trình tích tụ, sàng lọc giỏi – dở mà ra. Một số khác là do nông dân tự nguyện góp lại để cho 1 người (hoặc nhóm người) có năng lực quản lý tốt (đương nhiên là có nhiều vốn) đứng ra điều hành. Kết quả các hộ nông dân ấy (làm tá điền ăn công từ người quản lý) nhận được là cao hơn nhiều so với đám ruộng DO MÌNH TỰ CANH TÁC.

Như vậy đã sáng tỏ 2 ý: 1/ Sự mù quáng, giáo điều, thô thiển về ý nghĩa của CÔNG BẰNG là cha đẻ của chủ nghĩa bình quân làm tê liệt xã hội (triệt tiêu sức cạnh tranh, sáng tạo, phát huy năng lực cá nhân). 2/ Quyền sử dụng đất hay sở hữu đất không hề khác nhau về ý nghĩa thực chất vì giá trị (sản sinh ra từ đất) mới có quyền quyết định.

Nhưng các phân tích trên chưa đề cập tới các yếu tố xã hội, chính trị. Thực tế là ở VN hiện nay hầu hết những người giàu đều không xuất phát trên cơ sở TÀI GIỎI mà chủ yếu từ GIAN MANH. Họ nắm giữ rất nhiều đất đai mà khổ nỗi – đất đai ấy không hề sinh lợi cho xã hội trong khi nhiều nông dân thực sự giỏi sản xuất thì không có đất. Có kẻ ngụy biện cho đám trọc phú đô la: “Họ góp phần làm giàu cho đất nước bằng các khoản thuế.” Bố láo! Ví dụ: Đầu tư cho 1 khu đô thị mới nào đó, họ kê khống các chi phí đầu vào để xấp xỉ hoặc bằng với giá bán các căn hộ sau này. Đầu tư không có lợi nhuận thì lấy gì nộp thuế? Thanh kiểm tra ư? Dúi vô mõm nắm tiền thì cứng họng ngay ý mà. Vì lẽ đó, nếu cho tư hữu ở giai đoạn này sẽ lợi bất cập hại. XH sẽ dồn nén chất chồng các bất công mâu thuẫn (lợi ích), và đó là điều nguy hiểm đối với vận mệnh non sông & sự an nguy của chế độ chính trị.

XH được vận hành bằng 3 công cụ: Luật pháp – Chính sách & biện pháp hành chính. Trong đó, luật pháp là nền tảng phản ảnh bản chất chế độ (hiện nay tay chân đám trọc phú ‘làm luật’ nên dân nghèo có xu thế bị gạt ra lề cuộc sống), chính sách mang tính định hướng lâu dài bền vững (chứ không phải chính sách bút chì, sáng nắng chiều mưa), biện pháp hành chính phải lấy thị trường làm cơ sở/căn cứ điều chỉnh (chứ không phải to mồm: Cấm Cấm Cấm..). Vd: Áp dụng thuế bậc thang lũy tiến trên d.tích sử dụng. Giả sử bình quân cả nước mỗi người được 1.000 m2 đất. Mức thuế (chuyển nhượng & hàng năm) bằng A nếu dt chuyển nhượng trong phạm vi 1.000 m2 nhưng nếu > 1.001 thì mức thuế là 2A ,> 2.001 là 4A, > 3.001 là 7A .. Như vậy, người có đất (tư hữu/sử dụng) phải cân nhắc thật kỹ về tính hiệu quả khi tích tụ đất đai. Vô sản hay tư sản không quan trọng, vấn đề là đất đai sản sinh ra LỢI NHUẬN bao nhiều, ai hưởng lợi. Bằng công cụ thuế, XH có nguồn thu để trang trải các nhu cầu an sinh xã hội (bù đắp những người nghèo), đất đai BUỘC PHẢI SINH LỢI ở mức độ cao nhất – tạo ra nhiều của cải cho cộng đồng. Thuế đất hàng năm = A áp dụng cho tất cả những ai dưới hạn điền bình quân tối thiểu. A càng rẻ càng tốt vì nó dùng cho mọi tầng lớp nhân dân trong XH (ý nghĩa của nó là nhắc nhở người SDĐ ý thức bổn phận, nghĩa vụ) nhưng trên hạn điền thì khác, vì chỉ người giàu mới mua nhiều đất. Càng giàu (lắm đất) mức thuế càng tăng lũy tiến (ở phương Tây, mua nhà/đất không khó như ở VN nhưng thuế hàng năm mới là vấn đề đau đầu, đáng cân nhắc đắn đo đối với kẻ có ý định sở hữu). Thời bác Mai Ái Trực làm bộ trưởng TNMT (bác Đặng Hùng Võ làm thứ trưởng) đã nêu đề xuất này để chống nạn đầu cơ ôm đất nhưng rất tiếc, đ/c X & Hù bác bỏ thẳng thừng. Bực mình, bác Mai Ái Trực xin nghỉ hưu, bác ĐHV giã từ quan trường về ôm con thơ vui vầy cùng sách & nhạc.

Công bằng không phải là cào bằng. Bình đẳng không phải là bằng nhau.. Phải không bạn? 

Có vô số chính sách, biện pháp để bảo đảm 2 yếu tố bình đẳng & công bằng XH về sử dụng/tư hữu đất đai. Vấn đề là cách nhìn, lối nghĩ, quan điểm ra sao mà thôi. Có 2 loại quan đáng sợ: QUAN LIÊU (xa dân nên làm luật/chính sách trên Trời) & QUAN LIỀU (cắm đầu làm mọi cho đám trọc phú. Ký 1 phát, hàng chục hàng trăm ngàn dân nghèo mất sạch đất đai cha ông ngàn đời truyền lại).

Giờ chưa phải là lúc để chúng ta mơ đến dân chủ khi mà quyền lực điều hành đất nước đang dần vuột khỏi tay CÔNG NÔNG. Mới đây, ngân hàng nhà nước đề nghị bộ công an vào cuộc làm thịt báo TN vì loạt bài đầu cơ vàng bất chính, ai hưởng lợi. Đất nước này đang bị cái gì đấy rất nghiêm trọng. Lợi ích nhóm thống trị ư? Có lẽ vậy! Vô sản mới đang hình thành & sẽ lớn mạnh nhanh chóng khi bất động sản được giải cứu thành công mà dân nghèo mòn mỏi vì giấc mơ có 1 căn nhà đã trở thành tuyệt vọng.

 Thực ra vấn đề sở hữu (đất đai, TLSX..) hết sức nhạy cảm, tế nhị vì nó là tiền đề dẫn tới tranh luận về CNCS <-> CNTB. Phần đông những người ủng hộ CNCS đều mắc sai lầm nghiêm trọng về lý luận khi mặc nhiên nghĩ rằng CÔNG BẰNG nghĩa là CÀO BẰNG, BÌNH ĐẲNG là BẰNG NHAU.
“Làm theo năng lực – Hưởng theo lao động” là nguyên tắc đầu tiên của CNXH. Người GIỎI lao động (chân tay, trí óc, quản lý, sáng tạo, nghiên cứu, học thuật..) phải ĐƯỢC HƯỞNG nhiều hơn người DỞ. Đó chính là LẼ CÔNG BẰNG. Đàng này ta làm ngược lại: Phân phối cào bằng (thời bao cấp) rồi tuyên bố: Đó là XHCN!

Giờ nhảy qua thái cực ngược lại, tạo điều kiện cho bọn trọc phú hút máu dân nghèo (thông qua quan chức hư hỏng) rồi tuyên bố: Đó là quyền tự do kinh doanh & dân chủ xã hội.

Tìm bằng chứng tham nhũng rất khó nhưng buộc quan chức có nghĩa vụ chứng minh khối tài sản mình có hình thành từ đâu thì rất dễ. Khổ nỗi là ‘họ’ không dám làm. Dân chủ là người dân làm chủ xã hội bằng việc giám sát hành vi những người đại diện/đại biểu của mình nhưng sau nhiều năm NÓI mà mãi đến nay ‘họ’ vẫn chưa LÀM điều sơ đẳng nhất: CÔNG KHAI TÀI SẢN QUAN CHỨC. Lý do? Khỏi cần ai trả lời, dân biết tỏng!

CNXH là gì? Là mỗi người 1 mảnh đất bằng nhau hoặc chả ai có mảnh nào để tất cả đều có quyền sử dụng NHƯ NHAU? SAI! Đích cuối cùng của CNXH là HẠNH PHÚC. Muốn có hạnh phúc thì xã hội phải có nhiều của cải & được phân phối công bằng (thông qua điều tiết bằng chính sách thuế & an sinh XH). Kích thích sản xuất bằng cách BUỘC kẻ chiếm hữu đất phải làm cho đất sinh lợi (thay vì các khu đô thị chết đang chờ nhà nước giải cứu). Giải pháp kích thích: Thuế bậc thang lũy tiến.

TT NTD đưa ra các lý do ‘giải cứu BĐS’: “BĐS được giải cứu sẽ kéo theo hàng trăm hàng ngàn ngành nghề khác sống dậy. Như VLXD (gạch, đá, xi măng, sắt thép..) TTNT, cây cảnh.. Thậm chí cả ông họa sĩ cũng có việc làm nhờ BĐS bán được nhà nên người ta mua tranh treo tường” – Ô hay, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của XH, liên quan quái gì đến mấy gã trùm địa ốc ôm hàng giá cao? Nhà thì đã xây rồi (đủ nhu cầu đến năm 2050), làm gì có vụ “tiêu thụ xi măng sắt thép gạch đá” nữa? Giá hạ xuống (phù hợp năng lực tiêu dùng của XH VN) thì dân sẽ mua nhà thôi, khi đó lo gì không tiêu thụ được cây cảnh & tranh treo tường? Năm 1994, bà TH có 500 cây vàng lận lưng, nhờ bùa phép với địa ốc, năm 2009 bà có 40.000 tỉ, là bà chủ ngân hàng thuộc loại có số má đất phương Nam, chưa kể hàng chục triệu m2 đất rải dài từ Nam ra Bắc. Vậy, nhà nước nên xuất ngân sách ra ‘giải cứu’ những kẻ như bà TH hay nên giúp dân nghèo thông qua các giải pháp KT XH? Công bằng XH hay ngụy biện cho CÀO BẰNG chính sách? (Mà thực ra dân nghèo chả hưởng chút lợi lộc gì). Định hướng XHCN đã bị biến tướng rõ rệt trong chủ trương giải cứu BĐS vùa rồi. Vì lẽ đó các ông trùm địa ốc Hà Nội cay cú với Alan Phan & blog của tôi gần đây liên tục bị hăm dọa, hù nẹt từ các vị ‘chức năng’. Tôi coi đám đó là đồ rác rưởi, chỉ ái ngại khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh – nhất là những người lính vì trót tin lời tôi (về lẽ công bằng & CNCS..) để xông pha chiến trận rồi mãi mãi không về. Vào viếng nghĩa trang liệt sĩ mà tôi không dám nhìn thẳng vào hình chân dung của họ hoặc những ngôi sao vàng trên ngôi mộ vô danh là vì lẽ đó.

Chúng ta có phương pháp luận biện chứng để xem xét/đánh giá các vấn đề XH nên đủ tự tin nghĩ về mọi thứ mà không sợ hãi bất kì sự quy chụp nào. Vd: Nếu tòa phạt A 5 năm tù vì tội đánh B gãy răng mà không xem xét đến hành vi của B trước đó uy hiếp tính mạng/tài sản của A thì việc cắt khúc vụ án chính là sự cưỡng hiếp pháp lý, nói cách khác – đó là phiên tòa bất chính! Với BĐS cũng vậy, không thể (& không được phép) khoanh vùng tình thế của nó trong phạm vi hẹp để đánh giá toàn cảnh. Tại sao không phân tích nguyên nhân tăng giá đột biến tới 2000% (giai đoạn 1992 – 2002)? Ai làm giá? Ai thao túng? Ai hưởng lợi? Đừng nói là ‘người dân’ đấy nhé! Nếu tôi làm 1 dự án tử tế (mua đất của dân rồi xin phép xây chung cư cao tầng) thì hầu như chả việc gì phải bôi trơn cho ai, nếu có (cho mau được việc) thì chi phí cũng chả đáng là mấy. Bài học Văn Giang có lẽ nhiều người chưa thuộc nên cứ nói hoài vụ 1 miếng đất ở nội thành Hà Nội hét giá 1,3 tỉ/m2. Cán cân cung – cầu ư? Không! Nhu cầu là có thật nhưng > 20 năm qua nguồn cung luôn lớn hơn cầu rất nhiều. Vậy mà giá BĐS luôn ở xu thế tăng chứ không giảm. Đó là sự bất thường mà không ai dám mổ xẻ, tìm hiểu. Thi thoảng có vài ý kiến quan ngại về giá BĐS có nguy cơ kéo lùi sự phát triển lành mạnh của đất nước thì ngay lập tức bị chìm lỉm giữa vô số tán dương về ‘Sức hút không thể cưỡng nổi’ của môi trường đầu tư ở VN.
Trả BĐS về với giá trị thật của nó (phù hợp với sức mua/thu nhập của người lao động VN)  là điều CẦN & NÊN làm, nếu không muốn nói là PHẢI LÀM, dù có đau đớn thế nào đi chăng nữa (tất nhiên phải thật khéo léo để tránh sự đổ vỡ dây chuyền trong tình hình kinh tế cực kì nhạy cảm hiện nay)

Thân mến!

Thư gửi rận.

Mấy rày bôn ba xuôi ngược kiếm xiền nên chả có thời gian online, lợi dụng nhà vắng chủ, mấy cậu vào xả rác bừa bãi khiến tớ rất bực cái mình. Sau khi dọn rác cho nhà đỡ tanh hôi, tớ có đôi lời tâm sự cùng các cậu.

Các cậu bảo tớ ‘yêu Đảng’? Nhầm! Vì yêu CNCS nên tớ vào Đảng để góp phần nhỏ bé biến giấc mơ thần tiên sớm trở thành hiện thực chứ chả vì si Đảng mà tớ kết hôn để kiếm hồi môn. Các cậu cứ việc yêu hoặc ghét (ĐCSVN) tùy ý. Tớ chả bận tâm. Trong mớ hỗn mang của xã hội này, ĐCSVN được dân chúng đặt nhiều niềm tin hơn tất thảy. Lý do: Vì nó mang hơi hướng CS. Chắc chắn các cậu sẽ vặn vẹo: “Nếu CS tốt thì tại sao bị xách mé, rủa sả, chửi bới? Lẽ ra cái tốt phải khiến bá tánh quy phục chứ?!”

Tớ nói luôn để các cậu đỡ sốt ruột nhé. Cao xanh vốn dĩ thích chơi trò thử thách nhân tâm nên khéo sắp đặt vô số chuyện trớ trêu cay nghiệt. Tỉ như: Người đẹp luôn ít hơn (thậm chí, rất hiếm) so với người xấu. Kẻ thông minh là thiểu số giữa đám đông. Hiền nhân lẻ loi giữa đồng loại hung hãn.. Vì thế, người đẹp thường bị (mấy ả xí gái) dèm pha chê bôi, đặt điều nói xấu. Người thông minh bị quy là kiêu hoặc hâm. Bậc quân tử bị đám ngu muội tru tréo nguyền rủa. Chuyện này xưa như trái đất vậy! Nhưng nó vẫn luôn tươi mới nồng nàn vì quy luật xấu (xí) áp đảo đẹp (xinh) – Thông minh hiếm hoi so với dốt nát & lũ vai u thịt bắp mồ hôi dầu đầu đất nung (là các cậu đấy) luôn hừng hực thú tính trước hiền nhân quân tử. Các cậu càng chửi CS thì dân chúng càng vỡ ra: CS là gì & các cậu là ai. Bởi, chả bao giờ có chuyện hoa hậu đi mắng mỏ Thị Nở, Anhxtanh chê gã xà ích ngu lâu hoặc Khổng tử dè bỉu mấy gã lái buôn lửa đảo. Đúng không nào?!

Oái oăm là, cái gì tốt/đẹp/hay.. thì hiếm. Nếu kim cương mà nhiều như cát chắc chả ai ham. Vàng đầy rừng như lá thu rơi thì còn gì là vàng nữa? Ấy vậy mà các cậu cứ leo lẻo tính đếm số lượng: Nào là “Trên thế giới này chỉ còn 1, 2, 3.. nước theo CS” – Ô hay, thế thì linh cẩu ngon lành hơn sư tử ư? Kền kền danh giá hơn đại bàng à?

Cái đẹp, điều tốt thường cô đơn. Lẽ đời vốn thế. Nhưng nó không hề buồn tủi vì sự cô đơn ấy mà trái lại – vì tự hiểu mình là ai nên nó rất đỗi kiêu hãnh. Như ngọn hải đăng hiên ngang dãi dầu gió dông tố lốc, chịu đựng nắng rát – rét buốt để soi đường chỉ lối cho những con tàu xuôi ngược đi về, người cộng sản chả nề hà chi cái việc cỏn con là mình cô đơn hay đông đúc bầy đàn. Thậm chí, nó chấp nhận hiểm nguy khi biết mình có thể là mục tiêu tấn công của lũ hải tặc để chúng tiện cướp những con tàu mắc cạn hoặc kẹt đá ngầm.

Hội nghị TW 7 đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, nhân sự chỉ là 1 phần nhỏ trong chương trình hội nghị. Chưa chi các cậu đã rú lên đắc thắng khi đám Võ Đang, Nga Mi tạm thời lấn lướt Thiếu Lâm ở khúc daọ đầu. Sói, dù mô tả nó kiểu gì, lãng mạn tới đâu thì cũng chỉ là loài chó. Linh cẩu dù hung hăng thế nào thì cũng chỉ là giống chó mạt hạng. XYZ chả là cái thá gì đối với THÉP ĐÃ TÔI! 

Vẫn biết, nói với các cậu chỉ tổ phí lời nhưng nếu sư tử không gầm lên 1 phát thì rừng xanh vô chủ à?

Vậy nhé. Bảo trọng!